Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Cuộc sống có quá nhiều gấp gáp, lo lắng, quá nhiều thứ phải làm khiến ta có xu hướng bị căng thẳng khi nghe nhắc đến việc trải qua “khoảng thời gian chất lượng” với con. Sự căng thẳng này thật ra có thể bắt nguồn từ cảm giác có lỗi. Ta có chăm sóc bé, có chơi với bé, nhưng chỉ sau khi hoàn thành xong việc nọ hay việc kia; dành thời gian cho con nhiều khi giống một gạch đầu dòng trong danh sách “những việc cần làm” hàng ngày vậy.



Khi không thể dành nhiều thời gian cho con, bạn có xu hướng cảm thấy có lỗi, muốn bù đắp bằng sự chiều chuộng (thường là) quá đà, hành động như người bằng vai phải lứa hơn là như bố mẹ. Và điều đó thường sẽ gây nên tác dụng ngược, càng khiến con trẻ nhìn nhận mình như “nạn nhân”.


Vậy thời gian chất lượng là thế nào? “Khoảng thời gian chất lượng” có nghĩa rằng sự giao tiếp được thực hiện một cách tích cực và hữu ích. Bố mẹ không phải lúc nào cũng kè kè ở bên nhưng cần có mặt trong cuộc sống của con, giúp con tạo nên những phút giây hạnh phúc, vui vẻ; không chỉ dừng lại ở những việc chăm sóc em bé hàng ngày mà đặc biệt cần hơn nữa là hãy ở cạnh con những lúc khó khăn, tham gia một cách tích cực vào những “vật lộn” hàng ngày của bé.


Giải pháp để có được điều này rất đơn giản: bạn chỉ cần xác định được mức độ quan trọng của gia đình đối với mình; một khi đã xác định được vị trí ưu tiên thì bạn sẽ rất dễ dọn dẹp bớt những việc không quan trọng, thu xếp được thời gian biểu của bản thân cho phù hợp với gia đình thay vì cố nhồi nhét theo hướng ngược lại.


Dành thời gian chính là dành sự quan tâm và chú ý của bạn – một cách chân thành – có thể chỉ trong vòng 30 phút mỗi ngày thôi, nhưng bạn hãy cẩn thận, vì trẻ con “tinh” hơn bạn tưởng nhiều đấy. Nói chuyện với con là một trong những việc quan trọng nhất bạn có thể làm để tạo sự gắn kết, giúp con trưởng thành tự tin và phát triển kỹ năng giao tiếp cần thiếu. Không nên bắt đầu câu chuyện bằng những điều nặng nề quá và hãy hỏi những câu cần trả lời nhiều hơn chỉ “có” hoặc “không”. Với con nhỏ, bạn có thể hỏi bé chuyện ở trường, chuyện với các bạn cùng chơi hoặc một câu chuyện nào đó mà bạn và bé đã cùng nhau đọc, hay cùng con chơi một số trò chơi trong nhà vui nhộn. Với những bé lớn hơn, bạn có thể nói về những việc diễn ra bên ngoài nhà, trong khu phố, cùng con thảo luận về một bộ phim hay một đoạn quảng cáo… Bạn cũng có thể nhắc đến những khó khăn mà bản thân bạn gặp phải trong ngày và cách đối phó với chúng – những kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề có thể giúp con tránh không trở nên dựa dẫm vào các chất kích thích hay rượu bia khi gặp phải khó khăn sau này. Hoặc cùng con sắp xếp nhà cửa ngăn nắp và không quên kèm theo đó những câu chuyện thú vị của bạn.


“Khoảng thời gian chất lượng” cũng có thể được tạo ra bằng cách bạn tham gia vào việc học của con. Càng về sau các con càng có nhiều bài tập hơn, nhưng sự lo lắng và căng thẳng trước khối lượng công việc đó có thể được giảm đi đáng kể nếu bé biết sẽ không phải đương đầu một mình. Bạn không phải lo rằng: “mình làm gì có kỹ năng sư phạm/ mình có còn nhớ gì đâu chứ?” Giúp con học không có nghĩa bạn phải biết cách giải tất cả các bài tập của con, mà có thể được thực hiện bằng cách tạo không gian học tập không bị phiền nhiễu để con có thể tập trung, hỏi thăm việc học của con, giúp con lên sắp xếp thời gian, lên kế hoạch…


Bên cạnh đó, cũng hãy công nhận nỗ lực của con. Khen con khi đáng khen, chẳng hạn như khi con đã tự dậy đúng giờ, giúp mẹ dọn cơm hay tự giác học bài, khen cả khi con thành công lẫn khi con chưa thành công nhưng đã rất cố gắng. Đừng hứa những điều bạn không thể thực hiện, điều đó có thể làm con bị tổn thương – đặc biệt nếu thời gian gần gũi con của bạn bị hạn chế. Hãy cố gắng cho con hiểu được rằng bạn tôn trọng cảm xúc của con và sẵn sàng hỗ trợ con khi cần thiết… Tất cả những việc làm đó cho thấy sự quan tâm của bạn và giúp con tự tin phát triển kỹ năng rất nhiều đấy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét